Có thể nói, sự liên kết chặt chẽ không thể tách rời giữa 3 yếu tố giáo dục: Xã hội - Gia đình - Nhà trường, đang ngày càng “lỏng lẻo”. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đạo đức của giới trẻ thời nay thật đáng lo ngại… Và, một thực tế khiến chúng ta không thể ngó lơ, các nhà quản lý nhà nước về văn hóa không khỏi trạnh lòng về vấn đề đạo đức xã hội. Bởi thực trạng đạo đức ngày càng xuống cấp, cái lễ, cái nghĩa của người Việt Nam đang dần mai một… Đây là gốc rễ của mọi rắc rối trong xã hội hiện đại.
Chấn hưng chữ “Lễ”
Hơn lúc nào hết, giờ đây việc cần làm của ngành Văn hóa là chấn hưng đạo đức, lễ nghĩa. Muốn làm được, đòi hỏi ngành Văn hóa nói chung, trong đó có ngành Giáo dục và Truyền thông phải “vào cuộc” mạnh mẽ, nghiêm túc và thật cụ thể. Tức là, phần việc nào của ngành Giáo dục, và Truyền thông tham gia với liều lượng bao nhiêu và tập trung vào những nhóm đối tượng nào, ắt phải rõ ràng.
Thời xưa, các bậc cao niên đã truyền lại, chữ “Lễ” được các gia đình Việt rất coi trọng. Từ nhỏ trẻ đã được dạy phải vâng lời người lớn, đi thưa về gửi; Lễ giáo trong mỗi gia đình rất mực thước, có tôn ti, trật tự đàng hoàng. Nhưng, dần dà nền giáo dục của chúng ta đã lãng quên mất chữ “Lễ”, mặc dù khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đều được treo rất trang nghiêm ở khắp các trường học. Bên cạnh đó, văn hóa phương tây cứ “hồn nhiên” du nhập vào nước ta một cách thiếu chọn lọc, khiến người người, nhà nhà cứ “vô tư” vận dụng thứ văn hóa này một cách kệch cỡm, lố bịch mà không hề hay biết, để rồi nền tảng văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử… của người Việt cứ thế mà “cuốn theo chiều gió”.
Những bó hoa tươi thắm là mòn quà quý đối với mỗi thầy cô giáo
Ở góc độ xã hội nếu chúng ta vẫn coi nặng giáo dục suông, giáo dục theo kiểu hình thức, rồi thiên về “vận động quần chúng” thì chắc hẳn sẽ không thể ngăn chặn và làm giảm được thực trạng vô đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cư dân. Hay nói cách khác, muốn ngăn chặn vấn nạn này, trước hết người lớn - những người bề trên phải làm gương: từ nhân cách, lời ăn tiếng nói trong giao tiếp, ứng sử…, để con trẻ nhìn vào đó noi theo, làm theo. Nếu như, một ông bố thích “chém gió”, nói không đi đôi với làm, thất hứa với chính vợ, con mình thì làm sao có thể dạy con ý thức trách nhiệm và thái độ nghiêm túc trong học tập, sinh hoạt và lao động; Rồi một người lãnh đạo thích quyền lợi mà không muốn chịu trách nhiệm, muốn nắm giữ quyền hành mà không đủ trình độ để lo công ăn, việc làm cho nhân viên thì sao có thể là tấm gương cho cấp dưới học tập với tinh thần vì tập thể, vì mục tiêu chung…
Những năm gần đây hiện tượng học sinh coi thường nội quy nhà trường, xấc láo với thầy cô, rủ hội hè “hỗn chiến” với nhau... khiến cộng đồng bao phen “dậy sóng”. Và đã có không ít giáo viên thấy bất lực đã thốt lên: “Phải chăng đã đến thời thầy phải sợ trò?”. Liệu chúng ta cứ đào tạo ra bao học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc, cho “ra lò” bạt ngàn Thạc sĩ, Tiến sĩ để làm gì?… Khi thành tích và học vị thì đạt được tối đa, còn điều tối thiểu là kính trên, nhường dưới, trọng thầy - cô, biết ơn cha - mẹ và yêu quê hương, sẵn sàng phục vụ đất nước… Thì, ở thời buổi này quả là khan hiếm, khó tìm.
Từ giáo dục mà ra
Không thể phủ nhận, đạo đức của học sinh giờ đây đang thách thức năng lực của người thày và thách thức luôn cả nền giáo dục nước nhà, nếu xã hội không nỗ lực xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, dân chủ, kỷ cương và đổi mới theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới thì mọi nỗ lực cho công tác “Trồng người” ắt sẽ thất bại.
Ở một thời điểm nhất định, việc trang bị cho thế hệ trẻ đầy đủ kiến thức sống và kỹ năng sống an toàn, lành mạnh, không bị lệch lạc về đạo đức, có niềm tin vào bản thân và xã hội là điều vô cùng cần thiết. Chất lượng công dân tương lai, những người có kỹ năng, có đạo đức là nhân tố cốt lõi quyết định sự bảo toàn và phát triển đất nước, quyết định chất lượng cuộc sống là nền tảng vững chắc để xây dựng những giá trị xã hội, đó là nguồn lực quan trọng để đắp xây cuộc sống thanh bình và hạnh phúc cho mọi gia đình, tạo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội. Trong khi, sự liên kết chặt chẽ giữa ba yếu tố giáo dục không thể tách rời là: Xã hội - Gia đình - Nhà trường lại ngày càng lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đạo đức người trẻ giờ đây thật đáng lo ngại, tình trạng học sinh hỗn láo, bạo lực gia tăng trong nhà trường. Vậy có hay không khi xã hội, gia đình và nhà trường chưa truyền tải kiến thức một cách đầy đủ để học sinh có được nhận thức đúng đắn về chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa người với người; thậm chí giữa thực tế đời sống xã hội và đời sống thường nhật trong gia đình lại có nhiều điều trái ngược, mâu thuẫn với những điều nhà trường cố gắng vun đắp, dạy dỗ các em. Điều này khiến niềm tin vào giá trị đạo đức làm nền tảng cho nhân cách con người trong các em dần bị bào mòn, rồi mất đi. Ngoài ra còn chưa nói tới kỹ năng sống của người trẻ chưa tốt, các em không có cách giải quyết vấn đề phù hợp, chủ yếu hành xử theo bản năng. Cùng với đó vẫn chưa có các biện pháp hay quy định pháp luật xử lý kỷ luật đủ mạnh để học sinh biết tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục. Điều này dẫn đến xã hội phải tiếp nhận những «sản phẩm» giáo dục có tri thức, nhưng thiếu kỹ năng sống, lệch lạc đạo đức và hụt hẫng về niềm tin.
Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo, ngành Giáo dục đào tạo cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần nâng cao đạo đức xã hội; Xã hội - Nhà trường - Gia đình phải cùng chung tay gìn giữ và phát huy truyền thống nhân nghĩa, hiếu học, cần cù, trung thực của người Việt. Từ đó, các thầy - cô giáo là những người hội tụ đủ tri thức và tinh thần để vun đắp cho các em một niềm tin vào những giá trị đạo đức tốt đẹp; làm kim chỉ nam cho mọi hành động của các em khi ở gia đình cũng như khi ra ngoài xã hội. Đó chính là “Chìa khóa” giúp những học trò giỏi, những đứa con ngoan trong gia đình “mở ra” để gặt hái thành công trong cuộc sống.
Anh Thư