Người thày thuốc “Tâm - tầm - đức - tín” vẹn toàn

01 l2

Nhọc nhằn tuổi thơ
Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, sinh năm 1948 tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, có truyền thống hiếu học, bà là con thứ 3 trong nhà có 5 chị em. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày gian chuân, bà kể: “Hồi đó đất nước có chiến tranh, gia đình phải tản cư lên Thái Nguyên, cha tham gia quân ngũ, mình mẹ gánh vác việc nhà, nuôi dạy các con. Mặc dù thiếu vắng sự chăm sóc, dạy bảo của cha, nhưng chị em tôi sớm ý thức được hoàn cảnh, thương cha mẹ, bảo nhau tự giác học tập với ý thức vươn lên và cầu tiến….”. Hòa bình lập lại, gia đình về Hà nội, bà theo học các bậc phổ thông tại Hà Nội; Năm 1964-1965 Mỹ đánh phá phá miền Bắc dữ dội, trường học phải đi sơ tán. Mà 5 chị em cùng đi học sơ tán theo trường sẽ phải đóng một khoản kinh phí đáng kể, trong khi đồng lương công chức của bố mẹ còn khiêm tốn. Nên 2 anh em lớn (trong đó có bà) quyết định nghỉ học, đi làm để hỗ trợ bố mẹ, nhường 2 em trai nhỏ đi học theo trường nơi sơ tán, (chị cả đang học sư phạm không phải đóng tiền học).

Hơn mười sáu tuổi đã phải tự lập, bà được nhận vào học và làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của ban Sinh vật địa (Sinh vật - thực vật - địa lý thuộc Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Viện Khoa học Việt Nam). Đi làm được 3 tháng, cơ quan phải đi sơ tán ở phố Thắng-Hà Bắc (cách Hà Nội 90 km); Đi làm nhưng việc học không bỏ, bà học bổ túc (hệ tự học 3 năm), hàng tháng bà mượn xe đạp của đồng nghiệp để về Hà Nội trả bài, và nghe giảng bài mới. Miệt mài học rồi cũng tốt nghiệp Trung học phổ thông (hệ 10 năm), sau đó tiếp tục thi vào Đại học Y Hà Nội, bà đã đỗ (khóa 1968 -1974) với ngành học Bác sỹ đa khoa. Trở thành sinh viên, cuộc sống của bà lại gắn với nhiều nơi sơ tán, lúc thì ở Đại Từ (Bắc Thái), khi thì về Bình Đà (Hà Tây), rồi lại về Nhổn (Hà tây cũ). Thời chiến, sinh viên vất vả lắm, vừa học, vừa lao động: lên rừng chặt nứa, đan phên dựng lán ở, dựng lớp học, cắt lá cọ lợp mái, chặt tre làm bàn ngồi học..., ăn uống thì kham khổ, bữa đói, bữa no, ngày mỗi ngày chỉ là bột mì, ngô, hạt, bo bo, có chăng 1 tháng chỉ có 1 bữa thịt với 2 miếng nhỏ ướp muối mặn chát, cá mắm khô, rau chủ yếu là đu đủ xanh nấu muối… Vậy mà tuổi trẻ chúng tôi tràn đầy nhiệt huyết, hăng say học tập, các bạn nam sẵn sàng gác lại sách vở lên đường đi đánh giặc, có không ít bạn đã nằm lại chiến trường. Buồn, đau thương là vậy nhưng sinh viên trường Y chúng tôi rất đỗi tự hào, thấy mình sống phải có trách nhiệm hơn với bạn bè, đồng nghiệp, với những người đã hy sinh vì tổ quốc - Bà trầm ngâm bộc bạch.
Những năm 1972 -1973, thời điểm Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt, cũng là lúc bà đi thực tập tại khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai. Nạn nhân bị thương quá nhiều, đưa vào cấp cứu liên tục, thầy trò, kíp trực dường như không có thời gian nghỉ ngơi, làm việc thâu đêm suốt sáng. Rồi tận mắt thấy những cảnh tượng hãi hùng, để rồi mãi sau này vẫn ám ảnh tâm trí bà: “bạn tôi chết vì bom Mỹ chỉ sau 2 ngày cưới; người chuẩn bị lên xe hoa cũng chết đúng ca trực….” Thật khủng khiếp, đau thương bao chùm cả Hà Nội, một ký ức khó quên đối với thế hệ sinh viên thời của bà, thế hệ của những người đã đi qua chiến tranh. Thì, những người may mắn vượt qua được làn ranh giữa sự sống và cái chết, ắt hẳn hơn ai hết họ sẽ thấm thía sâu sắc về giá trị của cuộc sống, và hòa bình.
Bước ngoặt với bao “cơ duyên”
Tháng 9/1974 tốt nghiệp đại học, Bác sỹ trẻ Đỗ Thúy Lan được phân công về Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), về đây bà được cử đi học chuyên khoa Nhi (1 năm), học xong về làm việc tại khoa Nhi, nhưng bà vẫn kiêm nhiệm trực đa khoa: nhi - nội - sản - ngoại. Áp lực công việc, khiến bà khá vất vả, thường xuyên phải khám, đỡ đẻ và xử lý cấp cứu (chỉ có ca khó, phải mổ thì mời bác sĩ ngoại khoa can thiệp). Sau thời gia làm việc ở Bệnh viện đã giúp bà đúc rút được nhiều kinh nghiệm, tay nghề ngày một nâng tầm và bà đã thực sự trưởng thành trên nhiều lĩnh vực y khoa.
Tuy nhiên, lúc này con còn nhỏ, gia đình lại ở Hà Nội, nên tháng 6/1977, bà xin chuyển công tác về Hà Nội. Và, được Phòng Tổ chức - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bà về hỗ trợ 1 năm cho Bệnh viện Tâm Thần Hà Nội. Thật “tréo ngheo” khi cuộc đời lại “bỡn cợt”, đưa bà đến với một việc xa lạ - điều trị bệnh nhân tâm thần trong khi bà là Bác sỹ chuyên khoa Nhi. Với bản lĩnh cương trực, mạnh mẽ, không đắn đo nhiều, bà tự vấn an mình “nghề đã chọn ta”, rồi lại cần mẫm học hỏi, nghiên cứu, tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực mới. Sau 1 năm làm việc, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của bà đã được tổ chức ghi nhận, đánh giá cao, uy tín của bà được nâng tầm, tổ chức đã giữ bà ở lại, bà gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Hà nội, bệnh nhân của bà là những người tâm thần họ đang cần bà. Để công tác điều trị đạt hiệu quả, buộc bà lại phải vừa học, vừa làm, vừa tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, tham khảo, thường xuyên cập nhật bổ xung kiến thức, nhờ vậy năng lực chuyên môn của bà từng bước được khẳng định, từ chuyên khoa sơ bộ, lên chuyên khoa I, chuyên khoa II, ngoài ra bà học thêm cả tiếng Anh, bởi ngoại ngữ không thể thiếu đói đối với một nhà khoa học.
Năm 1978, BS. Đỗ Thúy Lan chuyển về Tổ ngoại viện (tiền thân của Trạm bảo vệ sức khỏe tâm thần - thuộc Bệnh viện tâm thần Hà nội) Sau này là Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. Nơi đây có chức năng chăm sóc, quản lý và điều trị bán trú cho bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp vừa dùng thuốc, vừa phục hồi chức năng tâm lý xã hội (PHCNTLXH) giúp người bệnh tái hòa nhập gia đình và cộng đồng. Năm 1986, Tổ Ngoại viện được nâng cấp thành Trạm Bảo vệ sức khỏe tâm thần, BS Đỗ Thúy Lan được bổ nhiệm phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, kiêm Trưởng Trạm Bảo vệ sức khỏe tâm thần. Đảm trách vai trò mới, công việc bộn bề hơn, từ kiểm tra, khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân ngoại trú … đến tập huấn cho mạng lưới phòng khám tâm thần tại các quận, huyện. Qua thực tế công việc hàng ngày, qua những lần tham gia hội thảo tâm thần quốc tế ở các nước tiên tiến, bà đã học hỏi - đúc rút được kinh nghiệm: về PHCNTLXH cho bệnh nhân tâm thần; về tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế quận, huyện trong việc chăm sóc, quản lý, điều trị và PHCNTLXH cho người bệnh tại cộng đồng. Từ đây, bà bắt đầu quan tâm áp dụng mô hình PHCNTLXH cho bệnh nhân ngoại trú; bà (thí điểm) tổ chức Câu lạc bộ PHCNTLXH ở phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), kết hợp với trạm y tế phường Trương Định (quận Hai bà Trưng), Trạm y tế phường Trung tự (quận Đống đa) để tổ chức hoạt động PHCNTLXH cho bệnh nhân của phường… và kết quả mang lại đã minh chứng cho thấy hoạt động PHCNTLXH cho bệnh nhân tâm thần để tái hòa nhập gia đình và cộng đồng là cần thiết. (đây là phương pháp điều trị được bà triển khai từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, của mình).
Năm 1992, được sự hỗ trợ của Uỷ ban hợp tác y tế Hà Lan - Việt Nam, bà được chọn đi học về Tâm thần Nhi tại Hà Lan. Âu cũng là cơ duyên cho bà có cơ hội được biết, được thăm các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, khuyết tật tâm thần; được tiếp cận với bao khái niệm mới… qua chuyến đi này, trong bà - người thày thuốc cần mẫn, ham học hỏi đã nảy ra bao ý tưởng mới, công việc mới. Rồi duyên đã đến, năm 1996 bà xin được học bổng của Đại sứ quán Hà Lan đi học về phát hiện sớm-can thiệp sớm khuyết tật trí tuệ và tự kỷ (tại Dublin Ireland). Về nước bà mở thí điểm 1 lớp can thiệp cho 15 trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ tham gia học (lớp đặt tại Trạm Bảo vệ sức khỏe tâm thần). Cùng đó, từ mối quan hệ, quen biết qua những lần “xuất ngoại”, bà đã giao lưu, trao đổi ý tưởng với bạn bè quốc tế để mời các chuyên gia tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt đến từ Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ… sang giúp Việt Nam, đào tạo nhân sự; và lớp học còn được Ủy ban II Hà Lan tài trợ kinh phí. Lớp học mở ra đã mang lại hiệu quả khả quan về kỹ năng tự lập, phát triển ngôn ngữ - giao tiếp, ứng xử của học sinh trong xã hội đã tiến bộ rõ rệt. Thành công bước đầu đã khích lệ, tiếp thêm động lực thôi thúc bà thành lập Trung tâm Sao Mai - với mô hình hoạt động như một tổ chức phi chính phủ (NGO) - từ thiện-nhân đạo và phi lợi nhuận. Có thể thấy, khởi đầu từ Trung tâm Sao mai - đơn vị đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Thì chỉ 1-2 năm sau, công tác này đã góp phần không nhỏ vào việc “thúc đẩy” trường Đại học sư phạm Hà nội, trường Cao đẳng Sư phạm TW…, thành lập khoa Gíao dục đặc biệt (GDĐB) để đào tạo giáo viên dậy trẻ khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị. Từ đó nghành GDĐB bắt đầu hình thành và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình có con khuyết tật.
Năm 1998, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương được Bộ y tế và UBND TP Hà Nội quyết định thành lập (trực thuộc Sở y tế Hà nội), đây là bước đột phá đưa phương pháp điều trị ngoại trú tâm thần lên một tầm mới, (bà là người viết dự án cho sự kiện này). Bệnh viện có biên chế 40 cán bộ nhân viên và 50 giường bệnh, với chức năng khám chữa bệnh ngoại trú; nghiên cứu khoa học cùng các hoạt động khác; điều trị bán trú kết hợp PHCNTLXH để tái phục hồi các chức năng tâm thần; phối hợp các hoạt động PHCNTLXH tại bệnh viện và cộng đồng cho bệnh nhân đã ổn định về với gia đình.
Du học trở về bà nhận nhiệm vụ Giám đốc bệnh viện với bao khó khăn từ việc tuyển dụng, sắp xếp nhân sự, đào tạo nhân lực cho hoạt động theo mô hình mới, tổ chức bộ máy sao cho phù hợp, hiệu quả; xây dựng cơ sở vật chất… Đồng thời, tiếp tục triển khai nghiên cứu mô hình PHCNTLXH để tái hòa nhập cho bệnh nhân. Là người phụ nữ năng động, trách nhiệm và uy tín trong công việc, nhạy bén trong cuộc sống, bà đã phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình trong công tác giao lưu, đối ngoại, mở rộng liên kết và hợp tác với các các nhà khoa học quốc tế, với tổ chức “NGO”, để cùng nhau trao đổi, nghiên cứu khoa học và coi thành quả đạt được là minh chứng rõ nhất, để xây dựng, củng cố niềm tin với bạn bè quốc tế, với người bệnh và gia đình họ. Nhờ vậy, bà luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực từ bạn bè quốc tế: tổ chức WHO đã hỗ trợ tài liệu nghiên cứu về PHCNTLXH cho bệnh nhân tâm thần; 2 lần tài trợ mời bà tham gia tập huấn; năm 1999 mời bà sang Geneva (Thụy sĩ) 2 tuần, để học “phương pháp nghiên cứu dịch tễ học trong tâm thần”; năm 2001 mời bà sang Trung quốc tập huấn 10 ngày về “kỹ năng đào tạo, giảng dậy cộng đồng”; Tham gia đào tạo tại Trung tâm sức khỏe tâm thần quốc tế thuộc trường đại học Melbourne-Úc về “chương trình lãnh đạo sức khỏe tâm thần quốc tế” (2001-2002 International Mental Health Leadership Program); ngoài ra, bà còn nhận được không ít học bổng và lời mời tham dự hội thảo tâm thần quốc tế tại các nước châu Á, châu Âu…
Hơn 40 năm gắn bó với nghề y, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, song với cái tâm của người thày thuốc, cái tầm của người lãnh đạo giàu bản lĩnh. Giờ đây, với bà ngành y đâu chỉ là “cái nghiệp” mà còn là “cái duyên” đeo bám, khiến bà mãi trăn trở, mãi thổn thức cùng bao mảnh đời kém may mắn - những bệnh nhân tâm thần người lớn, và tâm thần Nhi. Bà luôn mong muốn: được giúp TEKT trí tuệ, tự kỷ có nhu cầu đặc biệt; có được môi trường học tập phù hợp cho trẻ phát triển các kỹ năng để sớm ra học hòa nhập; giúp thay đổi, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình TEKT... Điều này luôn thôi thúc bà thành lập Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc TEKT trí tuệ, tự kỷ (Trung tâm Sao Mai). Và, tâm nguyện của bà đã thành hiện thực, Trung tâm Sao mai đã được thành lập năm 1995, được thành phố cấp gần 1.000 m2 đất ở quận Thanh xuân, được tổ chức Atlantic Philantropies New York tài trợ 400.000 USD để xây dựng một trường học dành cho TEKT trí tuệ và tự kỷ.
Ghi nhận sự cống hiến không mệt mỏi trên mọi lĩnh vực công tác, ghi nhận những thành công mang lại cho ngành tâm thần Hà Nội nói riêng và ngành tâm thần Việt nam nói chung, Nhà nước đã trao tặng cho bà Danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”. Đây là minh chứng cho thấy TTUT-BS Đỗ Thúy Lan là người giàu bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách - người thày thuốc đa tài đã làm nên sự nghiệp lớn với: “Tâm - tầm - đức - tín” vẹn toàn.

Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899