Đỗ Thị Huệ - người phụ nữ 62 tuổi đời, 18 năm tuổi Đảng, Hiện nay Bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật (CTTETT) Việt Nam, Phó Giám đốc thường trực Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam. Bà Huệ trước đây công tác tại Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi Việt Nam, là người cán bộ vẫn đang ngày mỗi ngày cần mẫn, gắn bó với công tác xã hội (CTXH), với những phận đời kém may mắn. Thành công đã đến với Bà, bởi Bà có ước mơ, có cách tư duy tích cực và niềm đam mê công việc.
Tự hào người phụ nữ ấy
Tốt nghiệp Đại học Lao động Xã hội, chuyên ngành CTXH, từ năm 1996, Bà đã đến với công tác Bảo trợ xã hội (BTXH) cho người yếu thế nói chung, trong đó có NKT và trẻ mồ côi nói riêng. Qua nhiều lĩnh vực và vị trí công tác: Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban BTXH, Phó Giám đốc thường trực Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam… Ở cương vị công tác nào, Bà cũng phát huy vai trò tiên phong xây dựng và phát triển đơn vị. Bà chịu khó nghiên cứu và tìm giải pháp hữu hiệu để tiếp cận công việc, triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết (bám sát Nghị quyết Đại hội của Hội, của Quỹ), đặc biệt coi trọng, phát huy tính sáng tạo, niềm đam mê công việc của các thành viên… Bởi vậy công việc đi vào guồng quay nhịp nhàng.
Gần 30 năm gắn bó với CTXH, Đỗ Thị Huệ - Người phụ nữ giàu nghị lực, bản lĩnh, một “Bông hồng” vàng trong lĩnh vực trợ giúp người yếu thế, Bà đã lãnh đạo, điều hành và triển khai thành công nhiều chương trình, đề án, giúp đời, giúp người. Sự nghiệp của Bà được ghi dấu bởi những bước trải nghiệm thành công, ở đó có bàn tay, khối óc đang ngày đêm miệt mài góp phần kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Trên con đường ấy có những niềm vui, nỗi buồn và cả những đắng cay, sự trả giá để có được hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta cùng điểm lại cuộc hành trình đi đến thành công của Bà.
Thành công có được
Với phương châm “Tận tâm với công việc”, là người đảm trách 3/6 chương trình hoạt động của Hội: Dạy nghề tạo việc làm cho NKT, phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo, cấp xe lăn cho NKT.
Để các chương trình được triển khai hiệu quả, Bà đã nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của đối tượng, lên kế hoạch chi tiết để thực hiện từng chương trình cụ thể… Các chương trình do Bà đảm trách luôn được công khai, minh bạch, đạt hiệu quả khả quan, tạo được uy tín, niềm tin và sự trân trọng từ các đối tượng thụ hưởng, từ các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm…, tất cả đã gửi trọn niềm tin nơi Bà.
Là người phụ nữ năng động trong hành trình đi tìm cái mới, Bà không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc… Để có được hướng đi riêng mang sắc thái “Đỗ Thị Huệ” Bà đã phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm, triển khai thực hiện bài bản, khoa học, đúng qui trình, đảm bảo công bằng, minh bạch: Mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội. Dự án mở ra với tổng kinh phí là 557.300.000 đồng, nhằm giúp NKT địa phương vượt khó, vươn lên hoà nhập cộng đồng. Kết quả mang lại thật đáng khích lệ - xã có 163 NKT, 92 trẻ mồ côi đã được thụ hưởng thành quả từ Dự án, với sáng kiến chuyển mục tiêu học nghề và hỗ trợ cây, con giống sang đầu từ nuôi bò sinh sản và tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho NKT và gia đình họ (do Bà đề xuất). Dự án được triển khai đã giúp 41 hộ gia đình nghèo có NKT được hỗ trợ chăn nuôi với kinh phí 4 triệu đồng/hộ gia đình. Sau một năm đã có 15/41 hộ gia đình có bò sinh sản được 15 con bê, bán được từ 7- 8 triệu đồng/con và trả hết nợ. Số bò còn lại của các hộ gia đình cũng tăng trưởng mạnh, đã đến tuổi sinh sản. Có thể nói, việc chuyển đổi mục tiêu của dự án này đã góp phần ổn định đời sống các hộ gia đình nghèo, giúp bà con có việc làm, phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương đã có nhiều khởi sắc... Qua đây, nhiều bài học kinh nghiệm về “hỗ trợ sinh kế cho NKT và trẻ mồ côi” đã được đúc kết, nhân rộng và triển khai thí điểm tại nhiều địa phương trên cả nước, với kinh phí trên 3,6 tỷ đồng.
Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là việc không đơn giản, từ viết dự án, lập dự toán đến hoàn thiện hồ sơ, biểu mẫu, sổ sách theo quy định, khiến Bà phải nhọc tâm nghiên cứu, tìm cách làm hay, với quy trình “7 bước triển khai dự án” được Bà đề xuất và tiếp tục gặt hái thành công. Giai đoạn 2005-2015, với tổng kinh phí 26 tỷ đồng từ ngân sách cấp, cùng 3 tỷ đồng từ các nguồn vận động khác, đã tổ chức dạy nghề cho 6.775 NKT (tỷ lệ có việc làm đạt 75 - 80%). Sáng kiến này của Bà đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với một số tổ chức quốc tế đăng tải tại trang 57, cuốn sách “Dạy nghề/tạo việc làm đối với NKT ở Việt Nam - chính sách và thực tiễn”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Việt Nam xuất bản năm 2015.
Để thuyết phục Nhà tài trợ ủng hộ chương trình phẫu thuật mắt, thay thuỷ tinh thể cho người mù nghèo trên cả nước, Bà đã xây dựng dự án, tham khảo các cơ quan chuyên môn về cách quản lý chương trình, cũng như đối tượng được thụ hưởng... Trên cơ sở đó, Bà nghiên cứu xây dựng bộ “Công cụ quản lý” phù hợp thực tế, đó là “Phiếu mổ mắt miễn phí” được mở ra với đầy đủ nội dung cần thiết. Đây là chương trình trọng tâm của Hội, được triển khai nghiêm túc có sức lan tỏa lớn, đã thu hút đông đảo các Nhà tài trợ quan tâm, đồng hành, trong đó có cả các chức sắc tôn giáo. Đến nay có gần 10 nghìn ca được phẫu thuật (không có ca bị tai biến).
Chương trình xe lăn cho NKT, trong bốn năm triển khai Bà đã mời gọi tài trợ được khoảng 6 nghìn xe/năm, Bà phối hợp với Nhà tài trợ tổ chức nhiều khoá tập huấn phương pháp lắp ráp, sử dụng xe lăn cho cán bộ Hội địa phương, để mỗi đợt phát xe lăn cho NKT thì những cán bộ này sẽ là người hướng dẫn NKT và gia đình họ, cách sử dụng xe an toàn, hiệu quả. Để có nguồn kinh phí hoạt động Bà đã quy tụ, phát triển các mối quan hệ trong cộng đồng nhằm “Nối vòng tay lớn”, không chỉ với các Nhà tài trợ, các Mạnh thường quân, Bà còn tìm đến các tổ chức tôn giáo, mời họ tham gia, đồng hành cùng Hội trong các chương trình, dự án, như chương trình: “Đi bộ”, “Một trái tim một thế giới” lần thứ XII tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh (năm 2014-2015), đã vận động được 8,5 tỷ đồng…
Ngoài công tác dân vận, công tác xã hội hóa trong việc vận động nguồn quỹ, cho các chương trình trợ giúp trẻ em khuyết tật cũng được Bà làm tốt, phát huy thế mạnh tri thức của người làm CTXH, cùng sự linh hoạt, nhạy bén khi tiếp cận đối tác, sự mềm mỏng, nhẹ nhàng của người phụ nữ trong giao tiếp, ứng xử… Từ năm 2017 đến nay, Bà đã vận động được hơn 22 tỷ đồng cho Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, để trợ giúp trẻ em khuyết tật ở nhiều địa phương trên cả nước và 100% nguồn hỗ trợ đã đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Để có được thành công trong nhiều lĩnh vực công tác, ở Bà luôn ẩn chứa tư duy nhạy bén, khả năng quản lý khoa học, sự tự tin và nhiệt huyết với công việc. Nói vậy, có lẽ chưa đủ để Bà vượt qua bao khó khăn trong công việc đặc thù này. Là người lãnh đạo, Bà có tầm nhìn xuyên suốt, cái tâm trong sáng và trình độ, năng lực…vì thế nhiều ý tưởng mới, sáng kiến hay mang giá trị thực tiễn cao, đã được Bà triển khai hiệu quả.
Ghi nhận sự đóng góp không mệt mỏi, ghi nhận thành quả Bà đạt được trên nhiều lĩnh vực công tác ở chặng đường đã qua, Chủ tịch Nước trao tặng Bà Huân chương lao động hạng III, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành, các tổ chức Hội đoàn thể, UBND các tỉnh, thành… đã trao tặng Bà nhiều Bằng khen, Giấy khen và Danh hiệu cao quý.
Một số hình ảnh hoạt động của bà Đỗ Thị Huệ
Sự tỏa sáng của Người phụ nữ quê Tiền Hải, Thái Bình - Đỗ Thị Huệ, là minh chứng cho giá trị của tấm lòng, niềm tin “Chân thiện mỹ”. Qua cách làm, cách nghĩ và những đóng góp của Bà với cộng đồng, hay một nụ cười dịu hiền, ấm áp nơi Bà… đã giúp chúng ta hiểu hơn về nữ cán bộ làm CTXH - Đỗ Thị Huệ, Bà xứng đáng là một trong những tấm gương sáng của ngành CTXH Việt Nam./.
Anh Thư