Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ (TCMN) Trái Tim Hồng (số 75 Gò Sỏi, Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) được thành lập ngày 19/1/2015.
Từ ý tưởng của một nhóm phụ nữ khuyết tật, với mục tiêu rõ ràng, được triển khai qua những việc làm thiết thực: tư vấn, huấn luyện, tạo việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Ý tưởng, mục tiêu là vậy, nhưng triển khai vào thực tế quả không dễ, đơn vị đã gặp muôn vàn khó khăn: Đối tượng lao động mà HTX hướng tới là hàng nghìn NKT trên địa bàn huyện trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm ổn định, thuộc diện nghèo và cận nghèo; sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nên mặc cảm, tự ti không muốn đến lớp, trình độ văn hóa thấp; không được đào tạo nghề; nhận thức về các lĩnh vực trong cuộc sống rất hạn chế… Và, hầu hết họ không tìm được việc làm phù hợp, không có thu nhập, cuộc sống rất bấp bênh, phụ thuộc gia đình, không tự khẳng định được bản thân trước cộng đồng. Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập, để thực hiện cho được mục tiêu đề ra, Giám đốc Đinh Thị Quỳnh Nga (là NKT) đã tiên phong dành toàn bộ nhà cửa, đất đai của mình để hỗ trợ HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất… nhờ vậy mọi hoạt động của đơn vị dần đi vào ổn định, các phần việc được tổ chức, triển khai, thực hiện bài bản, NKT được bố trí việc làm phù hợp với sức khỏe và năng lực. Sản phẩm chính họ làm ra lúc này là những hạt gỗ và đan, sâu chuỗi các sản phẩm TCMN bằng hạt gỗ như: chiếu nằm, khoác ghế ô tô, đệm lót ghế văn phòng, gối mỹ nghệ và vòng đeo tay, đeo cổ… Để có được thành phẩm đạt yêu cầu chất lượng, thẩm mỹ, người làm phải trải qua 6 công đoạn gia công, vì thế người quản lý phải có sự sâu sát các thành viên, kịp thời nắm bắt năng lực, khả năng thích ứng công việc của từng lao động, trên cơ sở đó bố trí công việc phù hợp với từng đối tượng tật. Với công đoạn khó thì bố trí người có năng lực rồi tổ chức đào tạo bài bản, với công đoạn dễ thì hướng dẫn NKT làm theo. Vẫn biết, giá thành của những mặt hàng này không cao, lợi nhuận thu về thấp, nhưng đổi lại HTX đã tạo được nhiều việc làm cho NKT. Vạn sự khởi đầu nan là vậy, rồi may mắn cũng đến, HTX đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ tổ chức Thriive (Hoa kỳ) cho vay 200 triệu đồng làm vốn (không lãi suất trong hai năm), nhờ đó HTX đã tập trung đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất hạt ghỗ mỹ nghệ với 8 máy dập hạt và 2 máy xẻ; 02 máy mài via và 02 lò xấy hạt gỗ phục vụ cho ngành hàng truyền thống, mang tính chủ lực của đơn vị (hạt gỗ mỹ nghệ).
Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, đưa sản xuất vào guồng quay nhịp nhàng, từng bước phát triển và bước đầu gặt hái thành công, tạo tiền đề bứt phá, tiến tới liên kết nhận làm gia công các loại bao giấy với công ty bao giấy Vinh Hoa. Đây là công việc mới, với nhiều công đoạn: gấp, dán, gấp góc, gấp thành túi… công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ mà chủ yếu là lao động khuyết tật trí tuệ đảm trách… vì thế để sắp xếp nhân sự cho việc này, ban lãnh đạo HTX phải cân nhắc kỹ về sức khỏe, dạng tật, và khả năng làm việc của từng thành viên, rồi bố trí họ đảm trách phần việc sao cho hợp lý nhất. Với cách làm vậy, mô hình sản xuất này cũng bước đầu mang lại thành công đáng khích lệ, với mức thu nhập bình quân là 2 triệu đồng/người/tháng, tinh thần của người lao động được nâng lên rõ rệt, họ yêu thích, gắn bó với công việc, nên có những lúc cao điểm đã thu hút tới 50 lao động là NKT. Hay, năm 2019, HTX được tổ chức AAV (thuộc Actionaid Việt Nam) tài trợ 15 máy khâu công nghiệp, và các trang thiết bị dụng cụ để mở điểm bán café. Vậy là, hai ngành sản xuất mới (may công nghiệp và kinh doanh café, giải khát) tiếp tục được mở ra, đã tạo việc làm cho 18 lao động cho ngành may với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, và 2 lao động cho nghề kinh doanh giải khát.
Năng động, sáng tạo, các thành viên nơi đây đã cùng nhau vượt khó, xóa bỏ mặc cảm, tự ty, để gặt hái thành công mang dấu ấn đậm nét không chỉ với các thành viên-NKT của đơn vị, mà với cả cộng đồng xã hội nói chung. Quan trọng hơn, những gì Trái Tim Hồng có được lúc này là 6 ngành sản xuất: TCMN bằng hạt gỗ, trồng nấm, may công nghiệp, sản xuất than sạch BBQ, Photocopry, café, giải khát đều hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho 38 lao động, trong đó có tới 87% lao động là NKT có thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa đến với Trái Tim Hồng, lao động là người NKT ở xa còn được hỗ trợ ăn trưa, chỗ ở (cho 7 NKT). Tất cả, là minh chứng cho thấy Trái Tim Hồng đã, đang phát triển đúng hướng, ngày một khởi sắc, trở thành một trong những “điểm đến” tin cậy của cộng đồng NKT nói chung.
Ghi nhận thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của đơn vị ở chặng đường qua UBND huyện Sóc Sơn đã nhiều năm liền trao tặng Trái Tim Hồng không ít Giấy khen; Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội công nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT”. Đặc biệt, với cá nhân Giám đốc Đinh Thị Quỳnh Nga đã vinh dự được các cấp Bộ, ngành TW, địa phương trao tặng: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và nhiều Giấy khen của Hội liên hiệp thành phố, của Mặt trận tổ quốc Việt Nam… Điều này đã mang lại nguồn cổ vũ lớn cho các thành viên nơi đây, như tiếp thêm thêm nghị lực giúp NKT tự tin hơn trong cuộc sống cùng nhau “nối vòng tay lớn”, đưa Trái Tim Hồng ngày một phát triển bền vững.
Chia sẻ về những thành quả đạt được, bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc HTX TCMN Trái Tim Hồng, cho biết: Để NKT có việc làm, làm được việc thì Trái Tim Hồng đã làm tốt công tác quy tụ, tập hợp được NKT, tạo được việc làm phù hợp năng lực, sở trường của họ. Điều này rất quan trọng, mang tính quyết định sự thành, bại của đơn vị. Thành công có được của Trái Tim Hồng lúc này mới chỉ là bước đầu, bên cạnh đó HTX còn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ để Trái Tim Hồng được phát triển bền vững. Nên chăng: Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Hội NKT thành phố Hà Nội cần xây dựng Đề án “Đào tạo Việc làm và kỹ năng sống cho NKT”. Theo đó, nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động; trước khi đào tạo, NKT phải được sơ tuyển; doanh nghiệp cam kết tiếp nhận, bố trí việc làm sau đào tạo cho NKT. Hay, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, cần có công trình khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các cơ sở kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, từ đó định hướng khởi nghiệp và đầu tư sản xuất cho NKT, có vậy mới đảm bảo tính bền vững đối với mô hình tự tạo việc làm; Với NKT ở nông thôn, vận động hướng dẫn họ phát triển các mô hình kinh tế, tự tạo việc làm trên cơ sở khả năng, điều kiện hiện có. Cùng đó, hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ năng sống để họ có kiến thức lập nghiệp tại địa phương; Mô hình sản xuất, hay phương pháp đào tạo phải làm sao để NKT tếp cận được, sau đào tạo NKT phải có tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, phải đủ tự tin trong tự tạo dựng nghề cho bản thân hoặc phát triển các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó để hỗ trợ các tổ chức kinh tế của NKT, hoặc cá nhân NKT có được vốn đầu tư thiết bị máy móc phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thì các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có chính sách phù hợp thực tế hơn nữa để NKT có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi dễ dàng hơn khi họ lập nghiệp và tự tạo việc làm.
Để đáp ứng với nhu cầu thực tế về việc làm và ổn định thu nhập của NKT, quả là còn nhiều nan giải. Song để giải quyết căn cơ vấn đề này đâu chỉ có chế độ, chính sách được ban hành, đâu chỉ có NKT nỗ lực… Mà hơn cả, còn cần đến sự chung tay, vào cuộc của tất cả chúng ta: Các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong, ngoài nước và cả cộng đồng xã hội… hãy hành động một cách thiết thực, trách nhiệm và hiệu quả nhất. Có vậy, “NKT mới không bị bỏ lại phía sau”.
Hoàng Anh