Con người già đi theo năm tháng là một lẽ tự nhiên, thế nhưng không phải ai cũng có thể đối diện với điều đó một cách tích cực. Lão hóa đi kèm với sự suy giảm chức năng của các cơ quan, bộ phận cơ thể và những vấn đề về tâm lý trong cuộc sống cộng hưởng lại sẽ tạo nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tinh thần của người cao tuổi. Chính vì vậy, Tạp chí Tình thương và Cuộc sống tiếp tục giới thiệu tới độc giả bài tham luận (nhiều kì) để bạn đọc có thể hiểu đúng và sâu hơn về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi. Trong kì này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh trầm cảm.
Về tác giả: Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành y, tác giả Đỗ Thúy Lan - Bs chuyên khoa II Tâm Thần, Thầy thuốc ưu tú, Nguyên Phó Giám đốc Bv Tâm thần Hà nội – Nguyên Giám đốc BV tâm thần ban ngày Mai hương (Từ 1998 - 2004) và hiện nay là Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm & can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ (Trung tâm Sao mai/NGO) – sẽ cung cấp cho độc giả những kiến thức khoa học bổ ích, các nghiên cứu y khoa thực tiễn và nhiều giải pháp hữu hiệu về các vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp nhất của người cao tuổi.
HIỂU ĐÚNG VỀ BỆNH TRẦM CẢM Ở NGƯỜI GIÀ
Trong cuộc đời, bất cứ ai cũng sẽ có những lúc trải qua cảm giác chán nản, buồn rầu hay đau khổ. Vốn dĩ, đây là những cảm xúc hoàn toàn bình thường và kéo dài trong khoảng thời gian giới hạn, sau đó sẽ kết thúc. Tuy nhiên, khi những cảm xúc tiêu cực này trở nên quá mức và bắt đầu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì đó chính là bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một bệnh phổ biến của mọi lứa tuổi, tuy nhiên các nhà chuyên môn thấy rằng dường như trầm cảm xảy ra nhiều ở người cao tuổi. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng trầm cảm không phải là một biểu hiện bình thường trong quá trình già hoá, mà đây là 1 căn bệnh riêng biệt. Trầm cảm có rất nhiều dạng: kể cả những dạng có nhiều các triệu chứng thực thể. Một số người cao tuổi bị trầm cảm hoàn toàn không có cảm giác buồn, nhưng họ lại có rất nhiều các dấu hiệu khó chịu, mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức triền miên không dứt. Đôi khi, do trầm cảm xảy ra cùng lúc với các bệnh lý khác của người cao tuổi như tim mạch, tăng huyết áp,loét dạ dầy, thấp khớp, đột quỵ, tiểu đường hoặc Parkinson…nên người cao tuổi sẽ không nhận ra mình mắc bệnh. Khi đó, rất khó để kết luận đâu là triệu chứng bệnh thực thể, đâu là do trầm cảm.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi không hề dễ dàng, tuy nhiên có một số dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết căn bệnh này:
- Trước tiên là những biến đổi về nhân cách: Người bị trầm cảm thường cảm thấy giảm sự chú ý, mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, sự việc hoặc những người thân yêu mà vốn trước đây họ từng quan tâm, yêu quí. Người cao tuổi bị trầm cảm thường tự tách mình ra khỏi các hoạt động xã hội cũng như các thú vui, giải trí, du lịch… khác.
- Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti: Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Hoặc khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác như nỗi lo về tài chính, vấn đề hoà thuận với các thành viên trong gia đình và nhất là các vấn đề về sức khoẻ.
- Bên cạnh đó, dấu hiệu dễ nhận thấy khác bao gồm mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng. Họ thường biểu lộ sự không thoả mãn, tự trách mình về cuộc sống hiện tại. Người bệnh có thể trở nên cáu kỉnh hay buồn rầu hơn trước đây, hay khóc hoặc cảm giác muốn khóc thường trực. Họ lo lắng nhiều, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến sức khoẻ và cảm thấy khó tập trung, khó quyết định.
NGUYÊN NHÂN BỆNH TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Trầm cảm không phải do lỗi của bản thân người bệnh, cũng không phải là dấu hiệu của tình trạng suy yếu hoặc già nua. Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng giữa các chất hoá học trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Khi hoạt động chức năng của các chất hoá học này bị gián đoạn thì có thể gây ra trầm cảm. Có một vài bằng chứng cho thấy rằng những thay đổi này dễ xảy ra hơn khi người ta già đi, nhưng không phải tất cả những người cao tuổi đều dễ mắc căn bệnh này.
Các nguyên nhân cụ thể dẫn tới trầm cảm có thể kể tới là:
- Những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống: về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, vấn đề gia đình, sự ra đi của người thân hoặc bạn bè... đều có thể tác động rất mạnh đến người cao tuổi.
- Yếu tố sinh lý, sinh hoá: Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hoá các chất trong cơ thể khi người ta già đi, quá trình này diễn ra trong não người có tuổi và thuốc men sẽ điều chỉnh sự cân bằng của các chất hoá học này.
- Thuốc men: một số loại thuốc dùng để chữa các bệnh cơ thể của người cao tuổi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, trong đó có việc gây ra trầm cảm như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc gây ngủ... Đôi khi, nhiều loại thuốc chữa các bệnh khác nhau cũng có thể tương tác với nhau và tạo ra sự bất lợi, sinh ra bệnh trầm cảm.
- Uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích cũng là một nguyên nhân gây ra trầm cảm. Đồng thời, sử dụng rượu trong thời gian uống thuốc chữa bệnh cũng gây ra tương tác bất lợi và làm cho trầm cảm trầm trọng hơn.
- Các loại bệnh tật cơ thể xảy ra đồng thời với trầm cảm: Người già thường mắc các bệnh thực thể như tai biến mạch máu mão, tuyến giáp, đái đường, cao huyết áp, trĩ… Tuy nhiên, khi bệnh chữa không khỏi, người bệnh thường bị ám ảnh, lo lắng, bi quan và xuất hiện tình trạng nghĩ quẩn. Trầm cảm làm cho các bệnh thực thể nặng thêm và ngược lại.
- Thiếu hụt Vitamin trong chế độ ăn, ít vận động: Đặc biệt, những người có bệnh ở các cơ quan vận động cũng là một nguyên nhân có thể gây trầm cảm.
- Yếu tố di truyền: Ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân (ông, bà, bố, mẹ) bị tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm thì người đó cũng dễ mắc trầm cảm hơn những người khác.
ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM CHO NGƯỜI CAO TUỔI:
Người cao tuổi rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi bị bệnh, họ cần được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời. Khi bị bệnh trầm cảm, người già cần tuân thủ một chương trình điều trị thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng ngày càng tốt hơn. Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập.
- Thuốc chống trầm cảm giúp điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hoá trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm khác nhau, người cao tuổi sẽ được các bác sỹ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý, để ít có các tác dụng phụ bất lợi và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và thời gian sử dụng. Bệnh nhân được khuyến cáo chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sỹ.
- Các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm: Tuỳ theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp thích hợp. Đôi khi, chỉ một buổi trò chuyện cùng bác sỹ hay nhà trị liệu tâm lý cũng đã giúp ích cho người bệnh rất nhiều.
- Thư giãn tâm lý: Người cao tuổi bị trầm cảm thường miễn cưỡng phải nói cho người khác nghe họ cảm thấy không được khoẻ. Nhưng nói cho người khác nghe chính là bước đầu tiên để đem lại cảm giác tốt hơn. Tuyệt đối không nên âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh nặng thêm.
Cũng phải nhấn mạnh rằng bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi, tâm lý trị liệu hay phương pháp “điều trị bằng chuyện trò” rất tốt và hữu ích. Đối với trầm cảm nhẹ, đôi khi chỉ cần tâm lý trị liệu là đủ để khỏi bệnh. Vì vậy, người bệnh được khuyến khích thường xuyên gặp bạn bè hoặc đi du lịch cùng người thân… và không nên ngồi nhà 1 mình.
TG