Hiện cả nước có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm gần 7,8% dân số, trong đó NKTđặc biệt nặng và nặng chiếm 29%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Để chăm lo tốt hơn đời sống NKT cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực và hành động của các cấp, ngành và sự sẻ chia của cả cộng đồng xã hội.
Thành quả mang lại
Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP NGÀY 9/7/2015 của Chính Phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Qũy quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2016/NĐ-CP, đối với lao động là NKT và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT sẽ được vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm với lãi suất vay vốn bằng bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do thủ tướng Chính phủ quy định (hiện lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm nên lãi suất cho vay đối với NKT là 3,96%/năm); Về mức vay, với người lao động được vay tối đa là 100 triệu đồng, với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một lao động tạo được việc làm; Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, và do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) xem xét trên cơ sở nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn rồi quyêt định.
Tính đến 31/10/2020, qua Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho NKT - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do NKT làm chủ”, do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ để cho vay là 450 nghìn USD, đã được triển khai cho vay tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Bình, Quảng Ninh, đã hỗ trợ được 252 lượt khách hàng được vay vốn. Tuy nhiên, hiện chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh còn phát sinh dư nợ với 190 khách hàng là 9,5 tỷ đồng. Hay, với Quỹ Quốc gia việc làm, thông qua chương trình cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với NKT, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT đang được triển khai tại NHCSXH, thì tổng dư nợ của chương trình đạt 29.721 tỷ đồng với hơn 769 nghìn khách hàng còn dư nợ; giúp hơn 22 nghìn NKT được vay vốn từ chương trình để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Trong đó, Quỹ quốc gia về việc làm đã phân bổ cho Hội người mù Việt Nam quản lý gần 50 tỷ đồng, với gần 3 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Từ những kết quả đạt được đã minh chứng cho thấy tín dụng chính sách xã hội đối với NKT, với các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT để tự phát triển sản xuất kinh doanh đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay đơn giản, dễ thực hiện đã mở ra nhiều cơ hội cho NKT, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm dịch vụ. Điều này đã khích lệ, tạo động lực giúp NKT, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT có được cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng, và thực tế cho thấy đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất điển hình, làm kinh tế giỏi không chỉ ở thành thị mà ở cả các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bất cập cần được tháo gỡ
Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác hỗ trợ vốn vay đối vớ NKT, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT vẫn còn gặp không ít những tồn tại, khó khăn chưa được khắc phục, tháo gỡ, đó là: Nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn khiêm tốn, gần 5 năm trở lại đây Nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nên nhu cầu về vốn để tạo việc làm nói chung, trong đó có NKT nói riêng là chưa đáp ứng được; Cùng đó, một số địa phương không mấy quan tâm dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để ngân hàng thực hiện chức năng của mình; Hiệu quả mang lại từ việc thực hiện chính sách tín dụng với NKT, với doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT chưa cao bởi một thực tế buồn: rất nhiều lao động là NKT chưa qua đào tạo nghề, hiểu biết về kỹ thuật sản xuất không có, sức khỏe yếu; Đa phần doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính thấp, không có tài sản thế chấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không mấy khả quan, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng; Sự phối hợp giữa các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tín dụng của NHCSXH chưa nhịp nhàng, chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - nơi cuộc sống, làm ăn của người vay vốn chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi, bởi thế vốn tín dụng đầu tư thấp, hiệu quả không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Đội ngũ cán bộ Hội NKT ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa sâu sát thực tế, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NKT, nhất là NKT thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; Đâu đó, công tác hỗ trợ việc làm cho NKT của chính quyền, các hội, đoàn thể ở nhiều nơi chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, nhiều khi chỉ làm theo kiểu khơi khơi, chiếu lệ…
Để khắc phục thực trạng này, để người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, nên chăng: Thứ nhất, Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về NKT, tạo điều kiện để NKT được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước; Có cơ chế, chính sách về đào tạo nghề đối với NKT, với các hình thức đa dạng hóa, linh hoạt về thời gian, tổ chức các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT, hỗ trợ vay vốn, tư vấn và giới thiệu việc làm; Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Hàng năm, cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét, bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi với NKT và doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT. Đồng thời, đề nghị các nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay ưu đãi đối với NKT và doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT. Thứ hai: Cấp ủy, chính quyền (các cấp) cần quan tâm hơn nữa đối với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho NKT trên địa bàn được vay vốn; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách và việc lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… với hoạt động tín dụng chính sách. Thứ ba: Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các công đoạn ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn. Thứ tư: Doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT và những NKT đang mở cơ sở kinh doanh cần được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thuận tiện hơn, và được tăng hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, sản phẩm do NKT làm ra cũng cần được các ngành chức năng hỗ trợ để thương hiệu và sản phẩm của đơn vị, cá nhân NKT được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tại các hội chợ, triển lãm.
Thư Anh, Ảnh: Hữu Tài