Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay dân số thế giới khoảng 7 tỷ người, thì có gần 15% dân số sống với một khiếm khuyết trên cơ thể. Trong đó, hơn 100 triệu NKT là trẻ em; 80% NKT sống tại các nước đang phát triển; 50% NKT không thể trang trải cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; khoảng 1 tỷ NKT đang phải đối mặt với những rào cản về thể chất, xã hội, kinh tế và tâm lý, cản trở họ tham gia đầy đủ và hiệu quả vào đời sống xã hội một cách bình đẳng với những người khác.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 6,7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, đa phần NKT chưa có việc làm, phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội; 69% NKT trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 3% được đào tạo nghề. Song, với trình độ giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế, nên NKT thường phải dựa vào mối quan hệ gia đình để tìm việc. Chưa hết, NKT thường có nguy cơ cao hơn rất nhiều so với những người khác khi trở thành nạn nhân của bạo lực. Rồi, chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử, cũng như sự thiếu hiểu biết về vấn đề khuyết tật đã, đang và sẽ tiếp tục làm tăng nguy cơ khiến cho NKT trở thành nạn nhân của bạo lực… Tất cả cho thấy, những trở ngại mà NKT đang phải đối mặt, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân NKT, mà còn gây tổn hại cho toàn xã hội. Vì vậy, trách nhiệm của xã hội là chung tay giúp NKT hòa nhập với cộng đồng, đảm bảo quyền lợi cơ bản cho họ.
Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, quyền của NKT đã được Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp người dân quan tâm, chăm lo chu đáo, và đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp (từ năm 1946 đến 2013). Cùng đó, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về NKT cũng đã tương đối đầy đủ: Luật NKT và các Luật chuyên ngành như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật xây dựng... Năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước về quyền của NKT. Bên cạnh đó còn là sự ra đời của Luật NKT và Đề án Quốc gia trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 đã đánh dấu bước tiến lớn trong cam kết của Chính phủ về việc tiến tới phê chuẩn Công ước; Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT; Tháng 3/2019 Việt Nam gia nhập Công ước 159 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, đây là bước tiến quan trọng trong trong quá trình phát triển kinh tế và phát triển thị trường lao động, cũng như việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam đối với việc hỗ trợ NKT như: tiếp tục thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho NKT, tạo điều kiện để người lao động khuyết tật không để ai bị bỏ lại phía sau… Điều này đã khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của NKT một cách hiệu quả nhất. Hay, ngày 01/11/2019, Ban Bí Thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, và ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là NKT. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp NKT.
Cả nước hiện có khoảng 2,7 triệu người hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có khoảng gần 900 nghìn NKT đặc biệt nặng và nặng. Tuy nhiên số lượng NKT được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy…); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng; Hệ thống giáo dục ngày một phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đến trường; số NKT được học nghề và có việc làm ngày càng tăng; Việc tiếp cận với các công trình xây dựng, các hạ tầng về giao thông, văn hóa, thể thao của NKT cũng ngày một thuận tiện, dễ dàng hơn; Tổ chức Hội của NKT không ngừng được củng cố, mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội Người mù, Hội người điếc, Hội NKT, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật (nay là Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và NKT Việt Nam)…; NKT được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… Tất cả đã mang lại cho NKT sự tự tin, tự lập trong cuộc sống. Từ đó đã xuất hiện rất nhiều gương sáng là NKT thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội. Nhiều điển hình là NKT không cam chịu số phận, vượt lên hoàn cảnh, xóa bỏ rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn trong cuộc sống để vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội .
Tình đời, tình người không ngừng được phát huy, nhân rộng thì cuộc sống của hàng triệu NKT sẽ có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi, đó chính là sức mạnh, là nguồn cổ vũ, động viên NKT mạnh dạn, tự tin thoát khỏi sự mặc cảm, tự ty hoàn cảnh, để có cuộc sống tốt, hòa nhập với cộng đồng.
Chúng ta tin rằng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp người dân trong xã hội, của các tổ chức trong nước và Quốc tế…, Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến hay, cùng những giải pháp kịp thời, phù hợp, để hoạt động trợ giúp NKT ngày thêm khởi sắc, mang lại hiệu quả cao./.
Thư Anh