Đó là sứ mệnh là hạnh phúc của người nghệ sỹ cao tuổi

82 tuổi đời, 35 tuổi Đảng - bà Phan Thị Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ trẻ em khuyết tật (TEKT) Hà Nội (tại X1 ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phường Láng Hạ, quận Đống Đa), vẫn giữ được vóc dáng thon thả, khuôn mặt tươi trẻ cùng giọng nói của người Tràng An - nhẹ nhàng, trong trẻo.

Bà cởi mở kể tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện gia đình… Thôi thì đủ chuyện, nhưng tựu lại trong tôi, người phụ nữ đó có một tâm hồn vô ưu, trong sáng, là hiện thân của cái thiện.

Yêu nghề, mến trẻ - Bộn bề khó khăn
Bà Phúc kể, trước lúc nghỉ hưu bà là Đạo diễn sân khấu, là cán bộ phụ trách mảng sân khấu thiếu nhi của nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Nghệ thuật dường như đã thẩm sâu trong bà, song hành cùng bà suốt 30 năm công tác, thế rồi cũng đến lúc bà nghỉ hưu, nhưng niềm đam mê nghề vẫn cháy bỏng, tình yêu thương con trẻ, đặc biệt là TEKT vẫn luôn trong bà.
Khi còn làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ, bà đã từng trăn trở bởi TEKT chưa được quan tâm đúng mức, khiến các em thiệt thòi: các em chưa được đến nhà hát, chưa biết về nghệ thuật, chưa biết học múa, học hát, chưa từng tham gia văn nghệ quần chúng… Những nỗi niềm đó luôn thôi thúc bà tìm đến với TEKT, trẻ em nghèo, bà thường xuống các trường khuyết tật để dạy văn nghệ cho các em, bà muốn san sẻ, yêu thương, muốn đưa các bộ môn nghệ thuật đến với các em. Quan trọng hơn, muốn giúp các em có cuộc sống hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đến lúc nghỉ hưu, bà băn khoăn không biết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này thế nào, bà đã mạnh dạn tìm đến các tổ chức Phi chính phủ: tổ chức Cứu trợ Mỹ - CRS và Ủy ban 2 (Hà Lan), xin hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (đặt tại khuôn viên trường Tiểu học Trung Tự - Hà Nội), để TEKT có nơi sinh hoạt, dễ hòa nhập với trẻ bình thường. Công trình được xây mới với 2 tầng nhà tọa lạc trên khuôn viên 80 m2 (tại khu đầm lầy phía sau sân trường), tầng trên làm nơi sinh hoạt của học sinh bình thường, tầng dưới làm Câu lạc bộ (CLB) cho TEKT.
Để dự án được duyệt, đòi hỏi phải có giáo trình giảng dạy bài bản, mang tính khả thi cao, phù hợp với TEKT, trong khi bà là nghệ sĩ thì việc viết giáo trình đâu có dễ. Vậy mà với tình yêu thương dành cho TEKT, bà đã vượt lên chính mình, dành cả tâm huyết, đầu tư công sức, bắt tay vào viết, sửa, viết lại… không biết bao lần. Cứ vậy, rồi bộ giáo trình “Dạy văn nghệ cho TEKT” do bà là tác giả cũng được “trình làng” với nội dung mang tính thuyết phục cao, đã “chinh phục” được dự án.
Công trình xây dựng khối nhà tại trường Tiểu học Trung Tự đã được bà Trần Thị Minh Tâm phụ trách nhà đất quận Đống Đa và Hiệu trưởng nhà trường khi đó (bà Nguyễn Thị Liên), đồng ý cho triển khai. Công trình mang đậm tính nhân văn hoàn tất, CLB đi vào hoạt động, đã nhận được sự đồng thuận cao, sự phối kết hợp nhịp nhàng giữ các thế hệ Hiệu trưởng nhà trường (bà Liên, bà Dung, bà Mai) trong công tác hỗ trợ TEKT hòa nhập với học sinh bình thường, qua các hoạt động cụ thể như: tổ chức khai giảng, nghỉ hè, Trung thu, dã ngoại…Việc dạy và học theo mô hình “Hòa nhập” thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là với TEKT, phụ huynh và học sinh rất vui… Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, năm 2015 với lý do “Xây lại trường Trung Tự”, Hiệu trưởng nhà trường lúc này - bà Nguyễn Phi Khanh - không đồng ý để CLB trong khuôn viên trường nữa, để lại sự “ “ngỡ ngàng, ngơ ngác” của chúng tôi, cũng như của phụ huynh và học sinh. Các cháu khuyết tật lâm vào cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa; Mọi sinh hoạt, học tập “hòa nhập” của trẻ bình thường và TEKT đã duy trì được 20 năm bị phá vỡ, chúng bị “tan đàn, xẻ nghé”, khiến công tác hỗ trợ TEKT hòa nhập cộng đồng không thể thực hiện được. Đã nhiều lần bà và các thành viên trong CLB tìm gặp trao đổi, bàn thảo về sự việc này, đều bị bà Khanh từ chối, không tiếp. Vậy thử hỏi, khoản kinh phí do các tổ chức Phi chính phủ trợ giúp TEKT (nói trên) được giải quyết thế nào khi công trình dành cho TEKT bị trường Trung Tự đập bỏ?; Ai sẽ chịu trách nhiệm trước sự việc trên?... Còn đó, bao câu hỏi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của TEKT đang bị bỏ ngỏ, rất cần bà Hiệu trưởng trường Trung Tự - Nguyễn Phi Khanh và các cơ quan chức năng liên quan trả lời thỏa đáng - Bà Phúc bức xúc, bộc bạch.
Trong cái rủi có cái may – Trái ngọt được đền đáp
Tại địa phương nơi bà Phúc cùng gia đình sống và sinh hoạt, mọi người đều biết đến hoạt động CLB văn nghệ TEKT Hà Nội. Nên khi không có địa điểm sinh hoạt, bà Phúc đã mạnh dạn gặp chính quyền mượn căn nhà “Sinh hoạt cộng đồng” của phường làm nơi sinh hoạt cho các cháu. Và may mắn đã “mỉm cười”, UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa và tổ cư dân đã đồng ý, CLB văn nghệ TEKT Hà Nội đã có nơi để “An cư lạc nghiệp” từ đó đến nay.

su menh 2

su menh 3
CLB văn nghệ TEKT Hà Nội do bà Phúc khởi xướng, được thành lập năm 1991, hoạt động theo phương châm “Cảm hóa TEKT bằng hoạt động văn nghệ”. Học sinh là TEKT, mỗi em mỗi dạng tật, mỗi hoàn cảnh, để quy tụ được các em vào một tập thể, sinh hoạt có tổ chức, giúp các em cởi mở, xóa đi mặc cảm tự ti đã khó nói gì đến truyền cảm hứng nghệ thuật, truyền nghề, quả là điều không tưởng. Muốn làm được điều này trước hết phải quy tụ được đội ngũ những người thầy có tâm, có tầm, có sự đồng thuận cao trong công việc. CLB đã làm được điều đó. Thầy cô giáo ở đây đều là các nghệ sĩ, nghệ nhân, tình nguyện viên, có cả những người đã nghỉ hưu… họ dạy các bộ môn múa, hát, kịch, vẽ, nhiếp ảnh, sửa chữa máy dân dụng, dạy tiếng Việt, tiếng Anh, dạy may, làm hương, làm hoa giấy…Mỗi bộ môn có 2-3 giáo viên yêu nghề, mến trẻ, họ làm việc thiện giúp đời, không đòi hỏi thù lao. Từ những TEKT ngu ngơ, trí tuệ chậm phát triển, lớn người nhưng nhận thức chậm… đến với CLB, các em được thầy, cô dạy dỗ bằng cả tình yêu thương con trẻ, tình yêu nghệ thuật giúp các em cảm thụ được cái đẹp và biết làm đẹp, các em được học múa, học hát, học khiêu vũ, tập kịch và học nghề…, các em đã từng bước trưởng thành qua mỗi ngày, tự tin hơn trong cuộc sống, trong giao tiếp ứng xử đời thường. Hơn cả, các em đã có được cái nghề tự nuôi bản thân; nhiều em đã xây dựng hạnh phúc gia đình… 15 lần Hội diễn văn nghệ của TEKT được tổ chức, các em tham gia, đã xuất sắc giành được nhiều giải thưởng có giá trị. Rồi, với sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể, cán bộ, giáo viên cũng đã được các cấp, ngành TW, địa phương ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng các phần thưởng cao quý: Thành đoàn TNCS Hồ Chí minh tặng Huy chương vì thế hệ trẻ (năm 1989); TW Hội cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; Cấp Ủy, và các ban, ngành phường sở tại tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen… Đặc biệt, cá nhân bà Phan Thị Phúc đã vinh dự trở thành 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô (năm 2019), được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đến thăm, tặng Bằng khen tại gia đình (năm 2021), được Đài truyền hình Việt Nam vinh danh hai lần tại chương trình “Việc Tử tế”, được đứng trong “TOP” 50 tấm gương tiêu biểu của chương trình “Việc Tử tế” và được gặp Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch (Năm 2022)
Với vẻ mặt bình thản, lạc quan của người nghệ sĩ - bà tươi cười nói: “Hơn 20 năm qua, CLB văn nghệ TEKT Hà Nội hoạt động bằng nguồn thu từ biểu diễn và tiền tài trợ, mọi khoản chi phải “liệu cơm mà gắp mắm”. Vì thế ít nhiều cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư, phát triển CLB. Chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, từ cộng đồng xã hội, để TEKT có được cơ hội đến với CLB ngày một nhiều hơn, giúp các em và gia đình vơi đi phần nào sự mất mát, thiệt thòi, để xã hội bớt đi gánh nặng”. Tôi hiểu đó là sứ mệnh, là hạnh phúc của người nghệ sĩ cao tuổi - bà Phan Thị Phúc, đã, đang cần mẫn ngày mỗi ngày mang ánh sáng văn hóa nghệ thuật đến với TEKT, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống, cho tâm hồn và trí tuệ của TEKT thêm bay bổng.

Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899