Ngày 20, 21/6/2023 tại Khách sạn Hacinco (Đống Đa, Hà Nội) Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật (CTTETT) Việt Nam tổ chức Tập huấn “Nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục TEKT (trẻ em khuyết tật), cho cán bộ nhân viên làm công tác trợ giúp trẻ khuyết tật”.
Tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các ông bà trong Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội CTTETT Việt Nam, các tổ chức thuộc Hội, các chuyên gia y tế, giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các giảng viên tham gia giảng dạy, thuyết trình: Bà Đinh Thị Thụy Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật (NKT) Việt Nam (Bộ LĐTB&XH), Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch Bác sỹ CKI Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, Bà Đỗ Thúy Lan Thày thuốc ưu tú, Bác sỹ CK II Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ tự kỷ (Trung tâm Sao Mai). Bà Lương Thị Thu Hà Giám đốc Trung tâm trợ giúp can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (Yên Bái), Thạc sỹ Dương Thị Thanh Vân Giám đốc Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ Hoa Anh Đào cùng gần 90 học viên là cán bộ, giáo viên đến từ các đơn vị, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật (TEKT) ở khắp các tỉnh thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc ông Ngô Sách Thực Chủ tich Hội CTTETT Việt Nam nhấn mạnh, phục hồi chức năng (PHCN) là một trong lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh, là dịch vụ y tế dành cho NKT và bất kỳ người dân nào có vấn đề về sức khỏe. Duy trì và phát triển mạng lưới PHCN phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế xã hội và tiến tới ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới là rất cần thiết. Đồng thời, Ông cũng khẳng định, việc hiểu và nắm rõ các quy định về PHCN, đặc biệt là với NKT sẽ đem lại giá trị về mặt thực tiễn cho các đại biểu. Ông mong muốn các học viên tham gia tập huấn tích cực, nêu ra các câu hỏi, những sự cố thường gặp trong công tác PHCN và chăm sóc giáo dục TEKT, từ đó cùng các giảng viên trao đổi, thảo luận.
Bà Đinh Thị Thụy Phó chánh văn phòng UBQG về NKT Việt Nam, thuyết trình chuyên đề về các quy định liên quan đến công tác NKT thực trạng và giải pháp. Bà cho rằng, các Quyết định trước và mới đây đã tháo gỡ được nhiều nút thắt, mở ra nhiều cơ hội cho NKT, đặc biệt là TEKT tiếp cận dịch vụ PHCN thuận lợi hơn. Theo đó, có mục tiêu, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai chương trình, đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành đối với công tác PHCN… Hy vọng các Quyết định này triển khai vào thực tế sẽ đẩy lùi những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.
Ông Ngô Sách Thực Chủ tịch Hội CTTETT Việt Nam phát biểu khai mạc
Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Thanh Lịch Cục Quản lý KCB Bộ Y tế trình bày và trao đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 569/QĐ-TTg “Phê duyệt chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chuyên đề “Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho TEKT” của TTUT, Bác sỹ CK II Đỗ Thúy Lan (Trung tâm Sao Mai) trình bày với nhiều nội dung, như: thực trạng NKT ở Việt Nam, với các dạng tật, mức độ tật rất cụ thể. Rồi các chính sách trợ giúp NKT (trợ giúp tư pháp, y tế, giáo dục, tiếp cận công trình xây dựng, tiếp cận và tham gia giao thông, trợ cấp xã hội. Quy trình khám bệnh cũng đựợc bác sỹ truyền tải tỷ mỷ từ khâu hỏi bệnh, khám thực thể (khám chức năng, khám hệ xương cơ, khám thần kinh, tinh thần), kết luận… cho đến khâu PHCN, học viên cần hiểu thế nào là PHCN, mục đích của PHCN, kỹ thuật PHCN, các hình thức PHCN, nguyên tắc PHCN…Qua đây, cho thấy PHCN không chỉ là công tác nhân đạo đơn thuần, mà song hành đó còn là các yếu tố quan trọng không thể tách rời đó là yếu tố kinh tế, nhân lực, và pháp lý. Ngoài ra PHCN cho TEKT cần phải có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, và được xã hội hóa càng cao thì hiệu quả mang lại càng khả quan.
Với chuyên đề “Nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục TEKT cho cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp TEKT” của Giám đốc Trung tâm Hương Giang (Yên Bái) Lương Thị Thu Hà. Nội dung chuyên đề được đề cập cụ thể, bám sát thực tế, cho thấy việc chăm sóc trẻ tự kỷ khó hơn rất nhiều so với trẻ bình thường, đòi hỏi đơn vị, người làm công tác trợ giúp, chăm sóc TEKT phải đáp ứng và tạo dựng được cơ sở vật chất, môi trường sinh hoạt của trẻ phải đạt chuẩn. Đối với công tác chuyên môn, phải tạo những hoạt động thích hợp để bé tham gia, không để bé rảnh rỗi, “cầm tay chỉ việc”, kiên nhẫn, nhẹ nhàng hướng dẫn bé làm những việc vặt, việc nhẹ giúp gia đình, cho bé đi bộ với thời gian phù hợp với sức của bé. Đặc biệt đối với trẻ tự kỷ đòi hỏi người chăm sóc bé phải có phương pháp dạy dỗ “riêng”: kiên trì, nhẹ nhàng và tinh tế. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ cũng phải được coi trọng, cho trẻ ăn, uống thứ gì, liều lượng thế nào để đảm bảo dinh dưỡng, thực phẩm được chế biến, bảo quản phải thực hiện đúng quy trình… Hãy kiên nhẫn thay đổi thói quen sinh hoạt của bé để não của bé vận động nhiều hơn, giúp bé thích nghi với đời sống tốt hơn. Đây là phương pháp “Trị liệu” đơn giản nhưng mang lại hiệu quả. Điểm cần lưu ý, kịp thời phát hiện dấu hiệu trẻ tự kỷ và có phương pháp chăm sóc phù hợp là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp trẻ sớm hòa nhập được với cuộc sống.
Bà Đương Thị Thanh Vân Giám đốc Trung tâm Hoa Anh Đào cùng trợ giảng Phạm Thị Ánh Nguyệt trình bày nội dung:
- Quy trình đánh giá và xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
- Một số phương pháp trong can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Không khí tập huấn diễn ra sôi nổi, giữa “thày và trò” cùng nhau trao đổi thẳng thắn, cùng nhau phân tích, phản biện, những vấn đề khúc mắc thường gặp trong công việc hàng ngày, nhiều kiến nghị đề xuất (liên quan tới các nội dung của đề tài tập huấn) được học viên nêu ra đều được thày giải đáp, chỉ ra hướng khắc phục. Công tác chăm sóc PHCN cho TEKT, cũng như nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của NKT nói chung, thì đây là đợt tập huấn rất có ý nghĩa. Ngoài việc giúp các học viên thu nạp thêm kiến thức, đúc rút thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần chú trọng hơn nữa, để tạo được sức lan tỏa, đưa chương trình “Phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ đến với cộng đồng, cũng như nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các bộ, ngành và toàn xã hội đối với lĩnh vực chăm sóc, PHCN cho TEKT.
Anh Thư
Ảnh: Hữu Tài