Tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ em khuyết tật hưởng các chính sách xã hội

Hiện nay, cả nước có khoảng 7,06 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Trẻ em khuyết tật (TEKT) cũng là những công dân nhỏ tuổi đặc biệt, là chủ nhân tương lai của nước nhà như tất cả trẻ em không khuyết tật khác, vì vậy, sự nghiệp chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ em không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ, của Nhà nước mà còn của toàn xã hội. Như những trẻ em bình thường khác, để tồn tại, phát triển và có được những quyền cơ bản, TEKT cần được bảo đảm các nhu cầu cơ bản như nhu cầu được chăm sóc về thể chất, tinh thần, được học tập; nhu cầu được bảo vệ; nhu cầu được yêu thương; nhu cầu nhận thức và ý thức về bản thân; nhu cầu được thể hiện bản thân.
Từ lâu, Chính phủ Việt Nam đã đặt trẻ em nói chung và TEKT nói riêng vào vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, phát huy nguồn nhân lực cho nước nhà. TEKT tại Việt Nam ngày càng được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm.
Trong những năm qua, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn song nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến việc tăng cường bảo đảm các quyền cho trẻ em. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6/1991) đã chỉ rõ: “không những nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội; chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi”. Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước “có chính sách trợ giúp người cao tuổi, NKT, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” và “tạo điều kiện để NKT và người nghèo được học văn hóa và học nghề” đồng thời khẳng định mọi thành viên, bao gồm cả TEKT đều được nhà nước bảo đảm quyền công dân như nhau và đều được hưởng các thành quả chung của sự phát triển xã hội.
Năm 2010, Luật NKT đã chính thức được ban hành thay thế Pháp lệnh về người tàn tật, tiếp đó ngày 28/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 84/2014/QH13 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với trẻ em còn được nhắc đến trong các bộ luật khác, như Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em.
Hệ thống chính sách xã hội đối với TEKT đã hình thành, Luật NKT, Luật Trẻ em đang đi vào cuộc sống, công tác giáo dục, bảo vệ chăm sóc trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. TEKT, trẻ mồ côi có môi trường xã hội thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các em đã và đang nỗ lực phấn đấu, bền bỉ rèn luyện, tự tin, vượt qua số phận, vươn lên hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam luôn đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em nói chung TEKT nói riêng và tạo môi trường bình đẳng và không rào cản tiếp cận cho trẻ em, TEKT; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc đời sống, giáo dục, y tế, giao thông, công nghệ thông tin cho trẻ em, TEKT. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách đối với TEKT.
Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành từ cơ sở tới Trung ương đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và TEKT nói riêng.
Theo kết quả thống kê cho thấy, nhiều TEKT được trợ cấp xã hội hàng tháng; nhiều trường học trong cả nước đã tiếp nhận TEKT để hỗ trợ theo hướng giáo dục hòa nhập; chăm sóc y tế và phục hồi chức năng đã cải thiện đáng kể, đã mở rộng mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, địa phương nơi TEKT sinh sống; TEKT đã được giảm giá vé, phí tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa ở các cơ sở văn hóa, du lịch có thu phí.
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia NKT Việt Nam, năm 2022 ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay, cả nước có trên 1,5 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, TEKT được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Năm 2022, ngành Y tế đã lập hồ sơ sức khỏe cho trên 3 triệu 500 ngàn NKT, 2.066 NKT được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 NKT được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng; cung cấp 11.063 dụng cụ trợ giúp cho NKT có nhu cầu; 2.500 NKT được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng… Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đã cho vay 3.206 dự án của người lao động là NKT, tạo việc làm cho khoảng 1.000.000 lao động là NKT.
Các hoạt động trợ giúp NKT, TEKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp: hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, tặng xe đạp và học bổng, trợ giúp tìm việc làm; xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia; trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình có NKT.
 Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn mang tính bước ngoặt, nhưng Đảng, Nhà nước ta cũng thẳng thắn đánh giá những hạn chế còn tồn tại, như: Việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Một số chính sách xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn. Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hoặc chưa được quy định, điều chỉnh; nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, làm rõ cả về phương diện lý luận và thực tiễn triển khai.
Trong thời gian tới, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như: vấn đề già hoá dân số; tác động của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác nhau làm gia tăng số người cao tuổi khuyết tật, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách an sinh xã hội và trợ giúp xã hội đồng bộ, bao phủ và đủ sức làm tốt vai trò phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân. Muốn vậy, hệ thống trợ giúp xã hội cần phải được đổi mới một cách căn bản theo hướng:
- Phải chuyển mạnh mẽ về quan điểm coi trợ giúp xã hội từ hoạt động nhân đạo sang quan điểm bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng trợ giúp xã hội. Chính sách trợ giúp xã hội là biện pháp, công cụ, tác động để thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
- Từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương quan với các chính sách xã hội khác. Nghiên cứu, xây dựng chính sách trợ giúp xã hội dựa trên vòng đời sẽ bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
- Quá trình phát triển của chính sách trợ giúp xã hội phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trợ giúp xã hội là một bộ phận của chính sách kinh tế - xã hội, do vậy quá trình hoàn thiện và phát triển phải dựa trên cơ sở của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chính sách trợ giúp xã hội phải gắn liền với quá trình cải cách thể chế hành chính Nhà nước trên cả phương diện về (1) cải cách thể thế chính sách, (2) cải cách thể chế nghiệp vụ, (3) cải cách thể chế tổ chức thực thi chính sách và (4) cải cách thể chế tài chính.
- Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội với mục tiêu đến năm 2015 phát triển mạng lưới 451 cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
- Từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách về an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các cấp quản lý nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, góp phần cải cách hành chính trong trợ giúp xã hội.

tao dk2

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT ở Việt Nam, về các giải pháp của công tác xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội và phổ biến các chính sách đối với NKT, TEKT. Đây được coi là giải pháp đầu tiên và là bước đi ban đầu có ý nghĩa tiên quyết đối với hiệu quả thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT.
Tiếp đó, cần tăng cường huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là những gia đình có thành viên là NKT và chính bản thân NKT. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào mọi hoạt động trợ giúp TEKT, TEKT, các đề án về trợ giúp NKT. Đặc biệt là sự phối hợp của gia đình có NKT và TEKT từ việc xác định đối tượng, đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện ở xã, phường, thị trấn để quản lý nguồn lực, giám sát, đánh giá. Gia đình được xem là nơi đầu tiên và cũng là nơi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ TEKT khắc phục khó khăn, vươn lên tạo lập cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho TEKT cần phải hướng tới việc hỗ trợ cho hộ gia đình có TEKT, nhằm giúp cho đối tượng này được chăm sóc tốt hơn, qua đó lợi ích của TEKT được đảm bảo một cách bền vững và lâu dài.
Cần hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với NKT, TEKT trong một số lĩnh vực thông qua việc triển khai thực hiện tại các cơ sở. Tiếp tục cung cấp kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT cho cộng đồng.
Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt và đồng bộ công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật NKT và các qui định khác về NKT, TEKT. Các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm kịp thời ban hành các văn bản, quyết định cá biệt để xử lý và hướng dẫn xử lý những vấn đề bức xúc, vướng mắc hoặc tháo gỡ những khó khăn; đồng thời duy trì tốt công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về NKT, TEKT. Hằng năm, các cơ quan, Bộ, ngành cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT ở các địa phương, các cơ sở chăm sóc NKT, TEKT.
Cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách đối với NKT, TEKT. Đồng thời, thực hiện kết nối các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách đối với NKT, TEKT.
Ngoài ra, để TEKT có thể dược hưởng đầy đủ các quyền như trẻ em bình thường khác và hoà nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội theo đúng khả năng của mình cần xây dựng những trung tâm chăm sóc trẻ em, khuyết tật theo mô hình tổng hợp đan xen các hoạt động bao gồm: hoạt động giáo dục đặc biệt, giáo dục chuyên biệt, giáo dục hoà nhập; hướng nghiệp và đào tạo nghề, chăm sóc y tế; phục hồi chức năng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; chăm sóc nuôi dưỡng để các em có kỹ năng sống, có một nghề để tái hoà nhập với gia đình, cộng đồng và trở thành những thành viên có ích cho xã hội./.

Nguyễn Đức Hoán
(Hội CTTETT Việt Nam)

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899