Sức khỏe tâm thần và người cao tuổi

Con người già đi theo năm tháng là một lẽ tự nhiên, thế nhưng không phải ai cũng có thể đối diện với điều đó một cách tích cực. Lão hóa đi kèm với sự suy giảm chức năng của các cơ quan, bộ phận cơ thể và những vấn đề về tâm lý trong cuộc sống cộng hưởng lại sẽ tạo nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tinh thần của người cao tuổi. Chính vì vậy, Tạp chí Tình thương và Cuộc sống xin được giới thiệu tới độc giả bài tham luận (nhiều kì) để bạn đọc có thể hiểu đúng và sâu hơn về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành y, tác giả Đỗ Thúy Lan - Bs chuyên khoa II Tâm Thần, Thầy thuốc ưu tú, Nguyên Phó Giám đốc Bv Tâm thần Hà nội – Nguyên Giám đốc BV tâm thần ban ngày Mai hương (Từ 1998 - 2004) và hiện nay là Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm & can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ (Trung tâm Sao mai/NGO) – sẽ cung cấp cho độc giả những kiến thức khoa học bổ ích, các nghiên cứu y khoa thực tiễn và nhiều giải pháp hữu hiệu về các vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp nhất của người cao tuổi.
Trong kì đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về SANG CHẤN TINH THẦN (STRESS) ở người cao tuổi.
Khái niệm Stress:
Stress là 1 sang chấn tâm lý có mức độ từ nhẹ đến nặng. Thực tế, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn chịu một lượng stress nhất định, nhưng stress trở thành vấn đề khi nó ở mức độ cao, trong một thời gian dài hoặc khi chúng ta gặp phải rất nhiều vấn đề căng thẳng cùng 1 thời điểm, trong một thời gian ngắn. Stress sẽ dẫn đến phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nếu chúng ta có một số biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi cáu vô lý, luôn buồn bực vì 1 tác nhân nào đó hoặc bị sốc, có thể bị loạn thần cấp do chúng ta đang trải qua stress cấp tính, vượt quá khả năng chịu đựng của tâm lý của cá nhân. Đáng nói, mỗi người sẽ có sức chịu đựng sang chấn tâm lý khác nhau nên cùng 1 sang chấn và cùng mức độ (cường độ) stress, nhưng mỗi người sẽ điều chỉnh và có sự phản ứng/thích ứng khác nhau.
Trường hợp stress kéo dài, chúng ta có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn như cơn đau tim, tăng huyết áp, đau nửa đầu, những cơn khó thở không có tổn thương thực thể, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày và rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần (loạn thần phản ứng)… Những triệu chứng phản ứng với stress rất đa dạng đối với mỗi cá nhân riêng biệt, phụ thuộc vào loại hình thần kinh của mỗi người và tuổi tác.
Một số phản ứng với sang chấn tâm lý:
a) Những biểu hiện về cảm xúc
- Cảm thấy khó chịu, bực dọc,bứt dứt cảm thấy cuộc sống trở nên bất ổn.
- Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng
- Cảm thấy buồn bã
- Cảm thấy chán nản, thờ ơ
- Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân
b) Những biểu hiện về hành vi- cảm xúc
- Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính
- Sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc thuốc lá
- Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ
- Bỏ qua những hành vi thông thường, mất tập trung
- Trở nên vô lý trong những quyết định của mình
- Hay quên hoặc trở nên vụng về
- Luôn vội vàng và hấp tấp
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít
c) Những triệu chứng về thể chất
- Đau đầu, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, đêm không ngủ được hoặc ngày ngủ gà)
- Căng hoặc đau cơ bắp
- Đau bụng
- Đồ mồ hôi (dù đang mùa đông)
- Cảm thấy chóng mặt
- Rối loạn tiêu hóa
- Khó thở hoặc đau ngực
- Khô miệng
- Ngứa trên cơ thể
- Có vấn đề về tình dục
Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý:
a) Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm.
b) Các vấn đề về thể chất: Thay đổi cơ thể do rối loạn chuyển hóa( mỡ máu cao,tiểu đường), ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt…
c) Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn & áp lực của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, tâm lý bất ổn khi chuẩn bị nghỉ hưu, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình…
d) Lối suy nghĩ tiêu cực: Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay lý giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra một cách tiêu cực và đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Chẳng hạn đến tuổi nghỉ hưu nhưng bản thân vẫn muốn đi làm, sự ngừng lại đột ngột dễ làm chúng ta sốc - đặc biệt với những người làm công tác quản lý; hay gia đình chỉ có 1 con, bố mẹ bị tủi thân khi con lập gia đình riêng…
Cách chống đỡ stress:
Nhìn chung, khi tuổi đã cao, khả năng phản ứng và chống đỡ với sang chấn tâm lý của chúng ta thường khó khăn hơn lúc trẻ. Vì vậy, người cao tuổi nên chủ động giải tỏa sang chấn hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của những người trong gia đình và bạn hữu. Nếu vấn đề không thuyên giảm, không nên chủ quan mà hãy khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được giúp đỡ tư vấn-điều trị những triệu chứng do sang chấn tâm lý gây ra, hoặc tham khảo với những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm về lĩnh vực sức khỏe tâm thần nếu thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nhận diện nguyên nhân stress một cách trực diện và có phương pháp xử lý stress ngay khi vấn đề xuất hiện. Cụ thể như sau:
- Nếu chúng ta biết trước rằng chúng ta sớm muộn phải đối diện với những vấn đề stress; chúng ta nên chuẩn bị kỹ lưỡng cách thức, mà chúng ta cảm nhận có một cơ hội tốt để giải quyết stress một cách thành công.
- Nếu vấn đề stress dường như quá lớn để đối diện trong một lúc, chúng ta nên chia vấn đề stress này ra thành nhiều phần nhỏ hơn, để giải quyết làm nhiều lần, thì dễ dàng hơn.
- Nếu chúng ta có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong một thời gian ngắn giới hạn, chúng ta nên liệt kê những vấn đề này, theo thứ tự quan trọng và khẩn cấp nhất, và giải quyết chúng theo thứ tự ưu tiên có tính chất quan trọng và khẩn cấp trước nhất.
- Giới hạn những vấn đề không quan trọng và kém khẩn cấp, nhằm bảo tồn thời gian và sức lực. Nếu ai đó thường đòi hỏi ở chúng ta những nhu cầu vượt quá khả năng của chúng ta, chúng ta nên cố gắng đặt ra những giới hạn đối với họ; như thế chúng ta có thể tránh được những stress quá mạnh.
Tóm lại, trong hầu hết những trường hợp, stress không nhất thiết là một nguyên nhân gây nên sự khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, nếu stress dẫn đến những triệu chứng không thể kiểm soát được, chính nó có thể trở nên một tình trạng khủng hoảng.

TH (st)

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899