Vượt lên tật nguyền

Trong chúng ta ai cũng mong muốn có được công việc ổn định, cuộc sống hạnh phúc, và khát khao gặt hái thành công. Nhưng, thành công không đến với người sống thiếu trái tim nhân hậu; thiếu ước mơ, nghị lực cùng ý chí vươn lên. Và phó Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai (Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) - chị Nguyễn Thị Hương - người phụ nữ tật nguyền 46 tuổi cũng không nằm ngoài “quy luật” bất biến đó. Chị đã “chiến thắng” số phận, chị đã khởi nghiệp thành công và giúp đỡ bao mảnh đời cùng cảnh ngộ.

Vượt lên số phận
Nguyễn Thị Hương - chị sinh ra và lớn lên tại Thôn Hoàng Lý, Xã Hoàng Đông, Thị xã Duy Tiên, Hà Nam, nhưng lại có phận đời không may mắn khi một phần cơ thể bị khiếm khuyết. Tuổi thơ chị cứ lặng lẽ trôi cùng sự mặc cảm, tự ti về bản thân. Lớn một chút, chị luôn ao ước giá cơ thể mình được hoàn hảo như mọi người thì cuộc đời chị đã khác. Song đó chỉ là mơ, mà đời thực không cho phép chị mơ, chị phải sống với hiện tại, phải biết chấp nhận rủi ro với một tinh thần tỉnh táo, thái độ lạc quan. Vậy phải làm gì để nuôi thân, học nghề gì, ở đâu, để có thể thành công, trong khi kinh tế gia đình rất khó khăn. Hơn nữa để có được việc làm với người bình thường đã khó, huống chi chị là người khuyết tật mang đôi mắt thị lực yếu, đôi bàn tay không lành lặn. Người xưa có câu “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, vậy chị sẽ làm gì khi cả mắt và tay đều khiếm khuyết, khiến chị buồn, chỉ biết than thân, trách phận mình hẩm hiu. Rồi, bao câu hỏi đặt ra cho một “bài toán” mà không ai khác chính chị sẽ là người phải tìm cho ra đáp số của cuộc đời mình.

27 a

27 b
Buồn đấy, nhưng chị không cho phép mình an phận, gục ngã trước giông bão cuộc đời, ở chị còn có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, nghị lực vượt khó cùng niềm tin mãnh liệt vào “ngày mai trời lại sáng”. Chị tự nhủ, thị lực mắt yếu nhưng vẫn nhìn nhận được, đôi tay thiếu hụt nhưng kiên trì tập luyện ắt sẽ làm được việc, chị xác định rõ “tàn nhưng không phế”, và chỉ có kiến thức, nghề nghiệp, có việc làm ổn định mới mong cuộc đời “sang trang”. Vậy là chị hạ quyết tâm đi tìm việc làm. Chị đến với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật mang tên “Vì Ngày Mai”. Đến đây chị được thầy, cô tận tìnhh tư vấn, dạy nghề cho chị, và chị đã chọn nghề may để học (nghề phù hợp sức khỏe chị).
Buổi đầu học may nhiều bỡ ngỡ lắm, mọi thứ đều lạ, bao mối lo cứ bủa vây, đôi tay thiêu ngón của chị có những lúc bị chuột rút co quắp khiến chị đau đớn, bất lực, chỉ muốn bỏ cuộc vì không biết mình học có thành nghề không… May thay, mỗi khi “bế tắc” chị lại nhận được sự cổ vũ, động viên, kịp thời từ lãnh đạo, từ anh chị em ở Trung tâm, đặc biệt là phó Giám đốc - bà Lê Minh Hiền đã từng nói “Các con chỉ mất một phần cơ thể nhưng vẫn còn khối óc và con tim. Hãy chinh phục mình trước khi vượt qua các rào cản”. Chỉ vậy thôi, ý chí, nghị lực trong chị lại trỗi dậy, thôi thúc chị vượt qua, tiếp thêm động lực để chị gắng lên, chị tự nhủ mình “có công mài sắt ắt có ngày nên kim”. Cứ vậy, ngày qua ngày không ngừng cố gắng, rồi thành công cũng đến khi những điều cơ bản của nghề may đã thực sự thẩm sâu vào chị, chị đã thạo nghề, chị yêu nghề và còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi chị đã học thành nghề, trụ được với nghề từ chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ, từ sự tự tin của bản thân.
Thành công mang lại
Trung tâm Vì Ngày Mai, đã thành “Ngôi nhà thứ hai” của chi, ở đây chị có cơ hội nuôi dưỡng ước mơ, thể hiện hoài bão, chị không chị học may, đi lên từ nghề may, chị còn được học kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát triển cộng đồng, học chụp ảnh, học ký hiệu của người khiếm thính, học vẽ tranh sơn dầu… Với sự nỗ lực và từng bước khẳng định năng lực, chị trở thành giảng viên nguồn được Ban Giám đốc tin tưởng, đề cử làm tổ trưởng sản xuất, rồi trở thành giáo viên dạy may. Ở cương vị nào chị cũng miệt mài nghiên cứu, học hỏi, phát huy sáng kiến, cùng đồng nghiệp tạo nhiều bứt phá mới, trong đó phải kể tới dòng sản phẩm được làm từ nguyên liệu vải vụn, rồi qua những bàn tay khéo léo của người khuyết tật họ đã ghép thành những bộ sản phẩm bắt mắt để tham gia cuộc thi lần thứ nhất, và đạt giải ba (năm 2015).
Hàng năm Trung tâm tổ chức tuyển sinh dạy nghề, chị lại tham gia giảng dạy. Học sinh của chị là những thanh thiếu niên khuyết tật, mỗi người mỗi dạng tật, mỗi hoàn cảnh, vùng miền khác nhau. Vì thế dạy họ khó lắm, nhiều lúc khiến chị mệt mỏi, chán nản không biết phải dạy thế nào để các em biết nghề vì chúng đâu có bình thường. Nghĩ lại những ngày đầu mình vào đây cũng giống các em thôi, chị lại dằn lòng, lại nhẫn nại, động viên các em hãy tự tin và cố gắng, thành công sẽ đến. Rồi vừa dạy vừa dỗ, vừa cầm tay chỉ việc, kiên trì chỉ bảo từng đường kim, mũi chỉ, cùng với đó chị đồng cảm, dành tình yêu thương, tận tâm với nghề, chị hòa đồng trò chuyện, tâm sự để hiểu được tâm tư, cách giao tiếp của các em. Từ đó đưa ra phương pháp dạy dỗ phù với từng em, giúp các em nhanh chóng thích ứng với môi trường sinh hoạt, học tập mới. Các em tiến bộ rõ rệt trong tiếp thu bài giảng, nhanh chóng trưởng thành, có nghề trong tay tự nuôi được bản thân, trở thành người có ích. Chỉ vậy thôi, chị thấy hạnh phúc, và niềm vui trong chị như được đong đầy, bởi chị đã thành công khi truyền được cảm hứng nghề nghiệp đến bao thế hệ học sinh là người khuyết tật.
Trưởng thành và đi lên từ Trung tâm Vì Ngày Mai: chị là thí sinh của Trung tâm được tuyển chọn tham gia nhiều cuộc thi tay nghề may, thêu thủ công do các đơn vị tổ chức, để rồi các Danh hiệu: “Bàn tay vàng”, “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” đã thuộc về chị. Ngoài ra, để ghi nhận những thành quả chị đạt được trong công tác dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật ở chặng đường qua, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cũng đã tặng chị nhiều Bằng khen.
Hơn hết, lúc này đây người phụ nữ khuyết tật năm xưa đang đảm trách cương vị phó Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai... Tất cả đã minh chứng cho thấy có được ý chí, nghị lực cùng niềm đam mê mãnh liệt - Nguyễn Thị Hương - người phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đã khởi nghiệp thành công. Tấm gương khởi nghiệp của chị cần được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.

Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899