Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phục hồi chức năng cho trẻ bại não tại Trung tâm Thụy An (Hà Nội)

 Ngày 25/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã KT. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số: 569/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có hiệu lực thì hành từ ngày ký ban hành.

Theo quy định tại mục II (Quan điểm), QĐ 569 thì: “Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, đảm bảo được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng để nâng cao sức khỏe, góp phần phát triển xã hội bền vững.”.
Mục tiêu chung của Chương trình là “Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.”.
Chương trình có 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, gồm:
a) Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
b) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.
c) Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, phấn đấu trên 90% bệnh viện phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
Để thực hiện có hiệu quả 4 mục tiêu cụ thể trên, Chương trình đã để ra 8 nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành
a) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phục hồi chức năng người khuyết tật đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đảm bảo cho người khuyết tật, người dân có nhu cầu được chăm sóc, phục hồi chức năng.
b) Nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
c) Xây dựng và phát triển các mã ngành, mã nghề đào tạo về phục hồi chức năng. Xây dựng các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực phục hồi chức năng (Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, Dụng cụ phục hồi chức năng) và chuẩn năng lực nghề nghiệp về phục hồi chức năng. Xây dựng vị trí việc làm của các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
d) Tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở phục hồi chức năng.
2. Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
a) Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
b) Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.
c) Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
d) Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ.
3. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng
a) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển các bệnh viện phục hồi chức năng hiện có, quan tâm đầu tư các bệnh viện phục hồi chức năng đầu ngành và khu vực theo quy hoạch; phát triển các trung tâm, khoa phục hồi chức năng của các cơ sở y tế tỉnh, huyện. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng ngoài công lập.
b) Củng cố và phát triển trạm y tế xã phường đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
c) Duy trì, củng cố, nâng cấp và phát triển các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành trên cơ sở quy hoạch đã được Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực phục hồi chức năng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phục hồi chức năng, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.
4. Đảm bảo nguồn nhân lực
a) Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và dạy nghề của các cơ sở đào tạo và dạy nghề chuyên khoa phục hồi chức năng, khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia đào tạo nhân lực phục hồi chức năng.
b) Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế phục hồi chức năng phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.
5. Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng.
6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác với Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực phục hồi chức năng.
b) Nghiên cứu, đánh giá cung cấp bằng chứng khoa học mô hình: phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em 0 đến 6 tuổi và trẻ tự kỷ; can thiệp sớm phục hồi chức năng người bệnh tại trung tâm, khoa hồi sức tích cực, trung tâm, khoa cấp cứu và trung tâm, khoa đột quỵ, trung tâm, khoa chấn thương chỉnh hình; phục hồi chức năng theo nhóm đa chuyên ngành trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu chi trả bảo hiểm y tế đối với kỹ thuật phục hồi chức năng.
7. Tăng cường truyền thông và vận động xã hội
a) Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.
b) Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phục hồi chức năng; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông.
c) Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
8. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá
a) Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi chức năng, lồng ghép trong hệ thống thông tin y tế quốc gia để theo dõi, dự báo, giám sát yếu tố nguy cơ, số người khuyết tật và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả các biện pháp chăm sóc, can thiệp phục hồi chức năng.
b) Cập nhật và hoàn thiện bộ công cụ thu thập thông tin, giám sát thống nhất áp dụng trên toàn quốc, kết hợp kiện toàn hệ thống thu thập thông tin báo cáo về quản lý sức khỏe người khuyết tật.
c) Tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động phục hồi chức năng, trong phòng ngừa khuyết tật, tiến độ thực hiện Chương trình và các chính sách liên quan của các Bộ, ngành.
d) Hằng năm tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, đánh giá mô hình, kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi Chương trình phù hợp./.

T.H

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

GPXB số 526/GP-BVHTT ngày 03/12/2002

GP bổ sung 221/GP-BTTTT ngày 29/4/2016

Tổng biên tập:

Nhà báo Lưu Văn Hân

Phó Tổng biên tập thường trực:

Nhà báo Nguyễn Thu Hường

Văn phòng đại diện phía Nam

Trưởng Văn Phòng: Nhà báo Hoàng Thị Anh Thư

Tạp chí Tình thương và Cuộc sống

CƠ QUAN CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

The organ of Vietnam relief association for handicapped children

Organe de l’association vietnamienne d’assistance aux enfants handicapés

ĐỊA CHỈ

51 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa , TP. Hà Nội

Điện thoại (024) 37 765 156

Fax (024) 35 621 094

Email: tctinhthuongcuocsong2010@gmail.com

QUẢNG CÁO & TÀI TRỢ

Ban Hành chính - Trị sự: 0979833899